Đục thuỷ tinh thể - Nỗi lo của người lớn tuổi

Đục thuỷ tinh thể - Nỗi lo của người lớn tuổi

Đục thủy tinh thể là nguyên nhân gây mù hàng đầu trên thế giới cũng như ở Việt Nam, đặc biệt là người cao tuổi. Việc giảm hoặc mất thị lực khiến chất lượng cuộc sống của người bệnh sụt giảm nghiêm trọng. Qua bài viết dưới đây, bệnh viện Mắt Sài Gòn sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về căn bệnh đục thể thủy tinh - nỗi khổ không nhỏ đối với người lớn tuổi.

1. Đục thể thủy tinh là gì?

Đục thể thủy tinh là tình trạng thể thủy tinh bị mờ đục làm tán xạ ánh sáng, ngăn không cho hiển thị hình ảnh sắc nét trên võng mạc, kết quả là giảm thị lực. Thể thủy tinh là một cấu trúc trong suốt của nhãn cầu có hình thấu kính hai mặt lồi. Khi mắt hoạt động bình thường, ánh sáng xuyên qua giác mạc và đồng tử tới thể thủy tinh. Thể thủy tinh tập trung ánh sáng lại và cho hình chiếu của vật rõ ràng, sắc nét lên võng mạc, giúp ta nhìn thấy được.

Vì một nguyên nhân nào đó, tính trong suốt của thể thủy tinh mất đi và mờ đục dần được gọi là đục thể thủy tinh. Đục thể thủy tinh có thể chia thành 3 nhóm:

- Đục thể thủy tinh già: Thường xảy ra ở người trên 50 tuổi, là hậu quả của quá trình lão hóa.

- Đục thể thủy tinh bẩm sinh: Xuất hiện sớm sau sinh, thường do di truyền hoặc mẹ nhiễm virus khi mang thai.

- Đục thể thủy tinh ở người trẻ: Thường xảy ra sau một bệnh lý khác ở mắt hoặc toàn thân.

Trong 3 nhóm trên, đục thể thủy tinh già chiếm tỷ lệ nhiều nhất. Theo thống kê số bệnh lý mắt gây mù ở người trên 50 tuổi tại Việt Nam, đục thể thủy tinh chiếm đến 74%. Đây là một bệnh lý có thể điều trị được, tuy nhiên ở nước ta, vẫn có nhiều rào cản còn tồn tại khiến bệnh nhân không thể phẫu thuật được.

2. Nguyên nhân dẫn đến đục thể thủy tinh ở người lớn tuổi

Người lớn tuổi chính là nhóm đối tượng mắc đục thể thủy tinh nhiều nhất. Theo thống kê, tỷ lệ đục thể thủy tinh ở nhóm người từ 65 – 74 tuổi là 50%, tỷ lệ này tăng lên tới 70% ở những người trên 75 tuổi. Sau đây là những nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khiến người cao tuổi dễ mắc căn bệnh này:

- Lão hóa: Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đục thể thủy tinh ở người già. Quá trình lão hóa của cơ thể khiến protein thể thủy tinh bị biến đổi làm thay đổi chiết suất của nó.

- Qua thời gian, họ tiếp xúc với tia hồng ngoại và tia cực tím nhiều.

- Tỷ lệ mắc các bệnh về mắt khác như glocom, viêm màng bồ đào cũng cao hơn. Đây là những nguyên nhân gây đục thể thủy tinh thứ phát.

- Người cao tuổi thường mắc các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường dễ dẫn đến đục thể thủy tinh.

- Một số loại thuốc điều trị bệnh của người cao tuổi cũng có thể làm tăng nguy cơ đục thể thủy tinh.

3. Điều trị đục thể thủy tinh như thế nào?

Với đục thủy tinh thể ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể cải thiện thị lực bằng cách sử dụng kính gọng, kính lúp, đeo kính râm … Bệnh nhân cần được kiểm tra mắt định kỳ tại các cơ sở chuyên khoa mắt để theo dõi diễn biến của bệnh.

a. Điều trị bằng thuốc

Có nhiều loại thuốc được dùng trong đục thuỷ tinh thể giai đoạn sớm để làm chậm sự phát triển của bệnh khi chưa có chỉ định mổ. Tuy nhiên, hiệu quả của những thuốc này vẫn chưa được chứng minh một cách rõ ràng. Một số thuốc thường thấy trên lâm sàng là thuốc nhỏ mắt Vitreolent, Isopod, Cliden,… Ngoài ra người bệnh cũng có thể đeo kính để cải thiện thị lực do đục thủy tinh thể có làm thay đổi khúc xạ của bộ phận này.

b. Điều trị bằng phẫu thuật

Khi đục thủy tinh thể mức độ nhiều, phẫu thuật là phương pháp điều trị duy nhất. Các phương pháp khác như dùng thuốc, thay đổi chế độ dinh dưỡng… chỉ làm chậm tiến triển của bệnh chứ không giúp điều trị bệnh triệt để và không cải thiện được thị lực. Có nhiều phương pháp phẫu thuật điều trị bệnh đục thủy tinh thể, trong đó phẫu thuật tán nhuyễn thể thủy tinh bằng phương pháp siêu âm (Phaco) kết hợp với đặt thể thủy tinh nhân tạo là phương pháp hiện đại nhất đã được chứng minh tính hiệu quả và an toàn rất cao, thời gian hồi phục sau mổ nhanh, thị lực cải thiện tốt, bệnh nhân có thể xuất viện ngay trong ngày.

Ngoài ra tùy vào trường hợp bệnh lý đục thủy tinh thể cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp phẫu thuật khác:

- Mổ lấy thể thủy tinh trong bao (ICCE).

- Mổ lấy thể thủy tinh ngoài bao (ECCE).

- Phẫu thuật tán thể thủy tinh.


Đục thủy tinh thể vốn chẳng phải bệnh của riêng ai. Cách sống của bạn sẽ quyết định trực tiếp đến sức khỏe đôi mắt cũng như cơ thể bạn. Càng nâng cao ý thức phòng bệnh bao nhiêu, bạn càng làm giảm đi các tác nhân có thể gây tổn hại cho mắt. Hy vọng qua bài viết này, bạn đã trang bị cho mình những kiến thức bổ ích nhất về đục thủy tinh thể bệnh lý, từ đó có biện pháp tốt nhất để bảo vệ thị lực.

Chia sẻ:

NỘI DUNG LIÊN QUAN